Những đặc điểm cấu trúc nào của virus SARS-CoV-2 cho phép nó tấn công tế bào người và lây lan rất dễ dàng? Dưới đây là những phát hiện quan trọng mới của các nhà khoa học.
Những hiểu biết mới về cấu trúc của virus corona mới có thể giải thích tại sao nó lây lan rất nhanh ở người.
Virus corona mới, tên chính thức là SARS-CoV-2, đã gây ra hàng trăm nghìn ca nhiễm trên toàn cầu, dẫn đến dịch bệnh Covid-19.
Trong nỗ lực tìm hiểu bản chất của loại virus rất dễ lây này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những so sánh với virus corona SARS (SARS-CoV) – tác nhân gây bệnh SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng).
SARS-CoV và SARS-CoV-2 có chung 86% trình tự bộ gen. SARS được coi là “đại dịch đầu tiên của thế kỷ 21″ vì nó lây lan nhanh chóng từ lục địa này sang lục địa khác, gây ra hơn 8.000 ca nhiễm trong 8 tháng – với tỷ lệ t.ử v.ong là 10%.
Tuy nhiên, SARS-CoV-2 đang lan truyền nhanh hơn nhiều. Năm 2003, 8.098 trường hợp SARS, với 774 trường hợp t.ử v.ong, xảy ra trong vòng 8 tháng. Ngược lại, trong vòng 2 tháng kể từ khi dịch SARS-CoV-2 bắt đầu, virus corona mới đã lây nhiễm hơn 82.000 người, khiến hơn 2.800 người t.ử v.ong.
Vậy điều gì làm cho virus corona mới dễ lây hơn nhiều? Một số bằng chứng mới nhất đã giúp trả lời câu hỏi này.
Cụ thể, một số nghiên cứu di truyền đã nghiên cứu cấu trúc kính hiển vi của virus, một protein chủ chốt trên bề mặt của nó và một thụ thể trong tế bào của người có thể giải thích tại sao virus lại dễ dàng tấn công và lây lan như vậy.
Gai protein trên virus corona mới
Gai protein là thứ mà virus corona sử dụng để bám vào màng tế bào của người bị nhiễm. Quá trình “bám” này được kích hoạt bởi một số enzym của tế bào.
Tuy nhiên, SARS-CoV-2 có cấu trúc đặc biệt cho phép nó bám chặt hơn ít nhất 10 lần so với gai protein tương ứng của SARS-CoV với thụ thể tế bào chủ chung của chúng.
Một phần, điều này là do gai protein có chứa một vị trí nhận diện và được hoạt hóa bởi một enzym gọi là furin.
Furin là một enzym tế bào chủ có trong nhiều cơ quan khác nhau của người, như gan, phổi và ruột non. Việc enzym này có mặt trong tất cả các mô của con người đồng nghĩa với việc virus có thể tấn công nhiều cơ quan cùng một lúc.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng SARS-CoV và các virus corona cùng họ không có cùng vị trí hoạt hóa furin.
Các nhà nghiên cứu cho biết, “điểm phân cắt kiểu furin” mới được phát hiện ở gai protein của SARS-CoV-2 có thể giải thích cho vòng đời và khả năng gây bệnh của virus.
Giáo sư Gary Whittaker, một nhà virus học tại Đại học Cornell, Ithaca, New York, cũng đã nghiên cứu về gai protein của virus coronavirus mới trong một bài báo.
“Điểm hoạt hóa furin khiến virus rất khác với SARS, về đường xâm nhập vào tế bào, có thể ảnh hưởng đến tính ổn định và do đó là khả năng lây truyền của virus”, GS Whittaker nói
Các nghiên cứu khác đã tán thành ý tưởng rằng điểm phân cắt furin là thứ khiến SARS-CoV-2 lây truyền mạnh và nhanh chóng.
Các nhà nghiên cứu đã rút ra sự tương đồng giữa SARS-CoV-2 và virus cúm gia cầm, lưu ý rằng một protein có tên là haemagglutinin trong cúm tương đương với gai protein của SARS-CoV-2 và các điểm hoạt hóa furin có thể khiến các virus này có tính gây bệnh cao như vậy.
Thụ thể quan trọng trên tế bào người
Tuy nhiên, gai protein và điểm hoạt hóa furin không phải là toàn bộ câu chuyện: Tế bào người cũng chứa các yếu tố khiến nó dễ bị nhiễm virus corona mới.
Gai protein cần bám vào một thụ thể trên tế bào người, gọi là enzym chuyển angiotensin 2 (ACE2). Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ACE2 cho phép SARS-CoV-2 lây nhiễm vào tế bào người.
Hơn nữa, SARS-CoV-2 gắn vào ACE2 với ái lực cao hơn các virus corona khác và đây là một phần lý do tại sao SARS-CoV-2 bám chắc vào tế bào chủ hơn gấp 10 lần SARS-CoV.
Hướng tới các thuốc và vắc-xin mới
Những nghiên cứu ở trên rất quan trọng vì chúng gợi ý các con đường khác nhau để nhắm vào và ngăn chặn virus corona mới, trong khi các nhà nghiên cứu đang gấp rút chế tạo vắc-xin và thuốc điều trị.
Ví dụ, các chất ức chế furin có thể là một hướng điều trị hợp lý để đối phó với SARS-CoV-2, một số chuyên gia đã gợi ý.
Nhưng vì các enzym kiểu furin là chìa khóa cho nhiều quá trình tế bào thông thường, nên điều quan trọng là các chất ức chế này phải không có tác dụng toàn thân và không gây độc.
Cụ thể, các chất ức chế phân tử nhỏ hoặc các chất ức chế hoạt động đường uống, có thể dùng qua đường hô hấp [hít] xứng đáng được thử nghiệm nhanh chóng để đ.ánh giá hiệu quả của chúng chống lại SARS-CoV-2″, các nhà nghiên cứu thúc giục.
Trong khi đó, phong bế thụ thể ACE2 có thể là một giải pháp khả thi khác. Làm như vậy có thể ngăn chặn virus corona xâm nhập vào các tế bào.
Trên thực tế, một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng sử dụng kháng thể từ bốn con chuột đã được chủng ngừa SARS-CoV đã làm giảm n.hiễm t.rùng với một loại virus thí nghiệm có chứa gai protein của SARS-CoV-2.
N.hiễm t.rùng đã giảm 90% trên tế bào nuôi cấy.
Cẩm Tú
Theo MNT
Nghiên cứu khẳng định thời gian ủ bệnh trung bình của Covid-19 là 5 ngày
Dựa trên những ước tính ban đầu, một nghiên cứu mới từ Trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg đã khẳng định thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh Covid-19 do coronavirus mới gây ra là 5,1 ngày.
Việc xác định được thời gian ủ bệnh được coi là chìa khóa để có thể kiểm soát sự lây lan dịch bệnh. Thời gian ủ bệnh được hiểu là thời gian giữa lần tiếp xúc ban đầu với một sinh vật gây bệnh và sự xuất hiện, khởi phát của các triệu chứng ở vật chủ.
Thời gian ủ bệnh có thể khác nhau đáng kể tùy thuộc vào từng loại bệnh. Ví dụ, thời gian ủ bệnh đối với bệnh cúm là từ 1 đến 3 ngày, trong khi đối với bệnh sởi, thời gian ủ bệnh là từ 9 đến 12 ngày trước khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra 181 trường hợp bệnh nhân đã được xác nhận dương tính với Covid-19 và cuối cùng, đi đến kết luận là: thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh là 5,1 ngày.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 97,5% những người bị nhiễm virus sẽ xuất hiện các triệu chứng đầu tiên trong vòng 11,5 ngày và thời gian 14 ngày theo khuyến nghị hiện tại để cách ly và tự cách ly đối với những trừng hợp nghi ngờ phơi nhiễm là khoảng thời gian tối ưu.
Chuyên gia Justin Lessler giải thích: “Dựa trên phân tích về dữ liệu có sẵn công khai, chúng tôi nhận thấy thời gian khuyến nghị 14 ngày là khoảng thời gian hợp lý để chủ động theo dõi và kiểm dịch, mặc dù trong khoảng thời gian này, một số trường hợp có thể sẽ bị bỏ qua trong thời gian dài”.
Bên cạnh đó, nghiên cứu mới cũng khẳng định sẽ có một số ít trường hợp mà trong đó, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài hơn 14 ngày. Thống kê cho thấy: trong số 10.000 đối tượng bị nhiễm virus Covid-19 thì có khoảng 101 trường hợp xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh sau 14 ngày.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng lưu ý rằng cần phải cân nhắc đến các yếu tố về chi phí kinh tế và xã hội cho kiểm soát dịch bệnh đối với hậu quả của việc bỏ qua trường hợp có dấu hiệu nhiễm bệnh. Trong một số trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao, chẳng hạn như nhân viên y tế tiếp xúc tiếp với bệnh nhân nhiễm virus mà không đeo thiết bị phòng hộ, việc thực hiện theo dõi tình trạng sức khỏe thêm sau khi kết thúc thời gian 14 ngày là cần thiết.
Jonathan Ball, giáo sư về virus học phân tử từ trường Đại học Nottingham cho biết: “Việc xác định thời gian ủ bệnh không dễ thực hiện vì rất khó để xác định chính xác thời điểm một người lần đầu tiên tiếp xúc với tác nhân truyền nhiễm”.
“Trong khi nghiên cứu cho thấy ở một số trường hợp, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài hơn 14 ngày nhưng, chúng tôi phải thừa nhận rằng mô hình ước tính thời gian ủ bệnh mà các nhà khoa học sử dụng đã dẫn đến các giả định quan trọng và có lẽ giả định liên quan chặt chẽ đến dữ liệu của nhóm nghiên cứu là giả định một người có thể có nguy cơ nhiễm bệnh ngay khi họ tiếp xúc với virus. Giả định này có thể chưa hoàn toàn đúng vì thời gian nhiễm bệnh thực sự có thể muộn hơn nhiều, trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm virus vào một ngày trước đó, thời gian ủ bệnh sẽ lâu hơn”.
Virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) có đặc điểm giống với virus gây bệnh SARS – hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng ở dạng viêm phổi nặng đến gần 90% và thời gian ủ bệnh trung bình của 2 bệnh này cũng tương tự nhau.
Bệnh SARS xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc vào tháng 11 năm 2002 và nhanh chóng bùng phát và lan rộng ra 29 quốc gia trên toàn thế giới chỉ trong vòng vài tháng. Trong khi đó, corona cũng là dòng virus gây bệnh cảm lạnh thông thường nhưng thời gian ủ bệnh của bệnh này chỉ trong khoảng từ 1 đến 3 ngày.
Nhóm nghiên cứu lưu ý khái niệm thời gian ủ bệnh khác với thời gian có thể lây nhiễm. Thời gian từ khi tiếp xúc với mầm bệnh cho đến khi khởi phát các triệu chứng đầu tiên thường được gọi là thời kỳ ủ bệnh tiềm ẩn và thời gian này có thể ngắn hơn thời gian ủ bệnh.
Mặc dù giai đoạn biểu hiện triệu chứng của bệnh thường được xem là giai đoạn dễ lây nhiễm nhất, nhưng rất khó để xác định liệu một bệnh nhân mắc Covid-19 có khả năng lây nhiễm không khi họ xuất hiện triệu chứng ho. Bằng chứng trong nghiên cứu mới cho thấy thời gian ủ bệnh tiềm ẩn ngắn hơn thời gian ủ bệnh, nhưng cũng chưa xác định được chính xác khả năng lây nhiễm của người bệnh trong giai đoạn ủ bệnh không triệu chứng.
Ball giải thích: “Có rất ít bằng chứng cho thấy thời gian khuyến nghị cách ly hoặc tự cách ly trong 14 ngày đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus là chưa phù hợp. Ngoài ra, cũng không nhiều bằng chứng chỉ ra khả năng người bệnh phát tán virus trong giai đoạn không có triệu chứng”.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine.
P.K.L
Theo dantri.com.vn/New Atlas