Trong khi thế giới chưa chứng minh rõ ràng hiệu quả của loại thuốc trị sốt rét trên bệnh nhân Covid-19 thì tại Việt Nam người dân đã đổ xô đi mua dự trữ khiến loại thuốc này ‘cháy hàng’, giá tăng cả chục lần.
Thuốc sốt rét Việt Nam sản xuất nhiều nơi bán đội giá 10 lần, từ 500 đồng/viên lên 5.000 đồng/viên – Ảnh: Nhật Linh
Thuốc chữa sốt rét chứa hoạt chất chloroquine/ hydroxychloroquine. Với hoạt chất này, công ty ở Việt Nam sản xuất ra thuốc cloroquine phosphate, quinine sunphate…; tương tự ở Pháp sản xuất thuốc plaquenil. Trước khi có thông tin trị được Covid-19, giá chloroquine phosphate chỉ 500 đồng/viên; plaquenil bán sỉ 7.000 đồng/viên, bán lẻ 8.000 – 11.000 đồng/viên.
Tăng giá và ghim hàng?!
Chiều 20.3, trong vai người mua thuốc, PV đến hỏi mua cloroquine phosphate tại tiệm thuốc tây L.C trên đường Hai Bà Trưng (P.Tân Định, Q.1, TP.HCM), thì nhận được cái lắc đầu của người bán: “Hết hàng rồi chị ơi. Ai cũng hỏi mà không có để bán”. Nhân viên này cho biết nhà thuốc đã gọi đặt hàng trên đại lý nhưng không chắc khi nào thuốc sẽ về và có khả năng thuốc sẽ tăng giá do hàng đang hút. Hiện một lọ cloroquine phosphate 30 viên có giá 230.000 đồng, tức 7.600 đồng/viên; lọ 100 viên trên 500.000 đồng.
Trên đường Nguyễn Giản Thanh (P.15, Q.10), nơi được xem là chợ thuốc tây bán sỉ ở TP.HCM, một chủ cửa hàng nói: “Bây giờ qua mua là trễ hơn người ta hai ngày rồi. Giờ còn đâu mà bán. Một lọ cloroquine phosphate 200 viên được bán 200.000 – 300.000 đồng nhưng không có hàng. Khách đến mua cho biết có người thân ở nước ngoài báo tin loại thuốc này có thể trị khỏi Covid-19 nên mua về dự trữ”. Chủ cửa hàng cho biết khách cũng mua thêm loại thuốc plaquenil của Pháp. Plaquenil ngày thường giá 250.000 đồng/hộp 30 viên (tầm 7.600 đồng/viên), nay nhiều chủ cửa hàng đã nâng giá lên 700.000 – 800.000 đồng/hộp 30 viên (23.000 – 27.000 đồng/viên).
Tại tiệm thuốc tây M.C (đường Hai Bà Trưng, P.8, Q.3), khi PV hỏi giá, nam nhân viên lấy ra một lọ cloroquine phosphate 200 viên, ngập ngừng quay vào trong hỏi một đồng nghiệp: “Cái này hôm trước bán trăm lẻ mấy ngàn giờ không biết có lên không?”. Không nhận được câu trả lời, nam nhân viên bèn tìm giá trong một danh sách viết tay, vừa tìm vừa nói: “Mới 10 giờ sáng nay là hàng hết rồi. Này mới nhập về tức thì, chưa làm giá nên chưa biết bán bao nhiêu”. Anh này còn nhiệt tình chỉ vào bảng giá viết tay rồi nói: “Ở đây ghi tới hai giá, 200.000 – 350.000 đồng, mà có hướng mũi tên đi lên, nên chắc còn tăng giá nữa!”. Cuối cùng, do không “chốt” được giá, nam nhân viên hẹn chúng tôi trở lại vào sáng hôm sau để mua. Hôm sau, chúng tôi quay lại thì lại được hẹn “sẽ báo lại sau vì còn 2 – 3 hộp và chưa chốt được giá”.
Ở tiệm thuốc tây Đ.H trên đường Dương Quang Trung (P.12, Q.10), nhân viên đưa ra hộp quinine sunphate loại 180 viên/hộp, giá 900.000 đồng (5.000 đồng/viên). Khi được hỏi về cách sử dụng thuốc, nhân viên này cho biết: “Thuốc này trị sốt rét. Cái tin thuốc này trị Covid-19 chưa có ai xác nhận, nhưng em mua thì chị bán thôi”.
Trao đổi với PV, đại diện nhà sản xuất thuốc trị sốt rét tại TP.HCM cho biết thường thuốc này bán không được vì ít người bị sốt rét, nhưng “tự dưng mấy ngày qua nhiều người liên hệ mua vài hộp để dành”. Vị này cho rằng do thuốc bán không chạy nên công ty cũng không chuẩn bị nguyên liệu. Nếu bây giờ sản xuất thì phải đi mua nguyên liệu, mà nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc nên cũng chưa chắc có ngay.
Nhân viên một nhà thuốc chỉ bảng giá viết tay chứ không niêm yết trên hộp – Ảnh: Song Mai
Dùng bừa bãi coi chừng đột tử
PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội, cảnh báo về nguy cơ lớn cho sức khỏe nếu tự dùng thuốc trị sốt rét để trị Covid-19.
Theo PGS Hiếu, cloroquine phosphate được sử dụng trong điều trị các bệnh lý: sốt rét, viêm khớp dạng thấp, bệnh hệ thống như lupus ban đỏ… Thuốc tác hại với mắt (gây phù, teo điểm vàng, rối loạn màu sắc, ảnh hưởng đến thị trường mắt dẫn đến khó nhìn, khó đọc, sợ ánh sáng).
“Những tổn thương này có thể xảy ra ngay cả khi đã ngừng dùng thuốc. Thuốc này còn gây ra các rối loạn tạo m.áu khác như: mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, thiếu m.áu, tan m.áu ở bệnh nhân (BN) thiếu hụt G6PD. Đáng lưu ý, với tim mạch, thuốc này gây tác dụng nguy hiểm, có thể dẫn đến xoắn đỉnh, rung thất và đột tử”, PGS Hiếu khuyến cáo.
PGS Hiếu lưu ý, cloroquine phosphate là thuốc phải kê đơn. BN sử dụng thuốc phải được theo dõi các chức năng gan, thận và thị lực tại các cơ sở y tế có chuyên môn. Việc sử dụng thuốc phải do bác sĩ (BS) quyết định, người dân không thể tự sử dụng. “Việc người dân thu gom, tích trữ thuốc tại nhà sẽ dẫn đến thiếu hụt thuốc tại các cơ sở y tế để điều trị cho các BN theo đúng chỉ định; đồng thời tạo cơ hội cho các gian thương đầu cơ, tăng giá thuốc vô tội vạ như câu chuyện thuốc tamiflu trước đây và khẩu trang y tế hiện nay. Trường hợp người dân không thể tự sử dụng thuốc như lý do đã nêu dẫn đến một lượng thuốc rất lớn lãng phí bị bỏ đi”, PGS Hiếu lo ngại.
Chưa có thuốc đặc trị Covid-19
Liên quan đến thông tin chloroquine phosphate có thể điều trị Covid-19, các bác sĩ cho biết hiện tại mới chỉ chứng minh được trên quy mô phòng thí nghiệm. Một số nghiên cứu lâm sàng có cho thấy các tín hiệu khả quan về hiệu quả của thuốc. Tuy nhiên cần lưu ý, để đưa một loại thuốc ra áp dụng trong cộng đồng là một quy trình khắt khe. Hiện tại Mỹ chỉ phê duyệt cho tiến hành thử nghiệm lâm sàng thuốc này chứ chưa cho sử dụng rộng rãi như một số báo đã đưa tin.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết Cơ quan FDA của Mỹ, Trung Quốc, Pháp có nghiên cứu thuốc này vài ca, nhưng vẫn chưa đủ bằng chứng chứng minh hiệu quả thuốc trị sốt rét trên BN Covid-19. Muốn có bằng chứng thì phải làm nghiên cứu và có so sánh khoa học. Bởi Covid-19 nhiều trường hợp bệnh tự khỏi nên không cần uống thuốc. “BV Bệnh nhiệt đới đang được Bộ Y tế chỉ đạo làm khẩn nghiên cứu đề tài trên. BV đang làm đề cương để thông qua Hội đồng đạo đức Bộ Y tế. BV sẽ so sánh 2 nhóm, nhóm BN uống thuốc và nhóm không uống thuốc, mỗi ngày lấy mẫu xét nghiệm. Nếu làm thì phải làm hàng chục ca, kết quả có sự khác biệt giữa 2 nhóm (nhóm uống thuốc có hiệu quả) thì mới ý nghĩa”, TS-BS Châu nói.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, việc điều trị các BN Covid-19 tùy thuộc diễn biến bệnh từng người. Các thuốc điều trị BN hiện là các thuốc thiết yếu sẵn có tại Việt Nam, điều trị triệu chứng, chưa có thuốc đặc trị vi rút gây bệnh Covid-19. Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị Covid-19 và các chuyên gia, BS điều trị liên tục cập nhật phác đồ từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ các BS tham gia điều trị trong vụ dịch tại các nước để việc điều trị cho BN tại VN được hiệu quả nhất.
”Hầu hết các BN Covid-19 hiện có sức khỏe ổn định, ngoài 17 BN đã khỏi, đã có thêm các BN khác (bao gồm BN có viêm phổi) đang bình phục. Người dân tuyệt đối không tự sử dụng thuốc điều trị Covid-19 vì có thể nguy hiểm tính mạng”, PGS Khuê khuyến cáo.
Ngộ độc vì uống thuốc sốt rét phòng Covid-19
Ngày 22.3, Trung tâm chống độc BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết mới đây tiếp nhận BN ngộ độc sau khi tự dùng thuốc sốt rét để phòng Covid-19. BN là nam, 44 t.uổi, được chuyển đến từ một BV tuyến huyện tại Hà Nội, trong tình trạng mờ mắt, nôn nhiều, suy hô hấp. Trước nhập viện, BN này uống 15 viên cloroquine (loại 250 mg) để phòng Covid-19 theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Các BS đã phải điều trị giải độc cho BN.
Người bệnh cần không có thuốc để mua !
Chị M. (ngụ TP.HCM) mắc bệnh lupus ban đỏ, cho biết đang phải uống thuốc plaquenil liều duy trì 1 viên mỗi ngày. Tuy nhiên, mấy ngày nay chị chạy đôn chạy đáo khắp nơi để mua thuốc mà không có. “Nhà thuốc báo có nhiều người đến mua mà cũng không có hàng bán vì có nhiều người mua để dành uống trị… Covid-19″, chị M. nói.
Tương tự, một BS điều trị về khớp ở TP.HCM cũng cho biết nhiều BN phản ánh hết thuốc điều trị khi mua ngoài thị trường.
Tâm lý đóng vai trò lớn trong điều trị
Dịch Covid-19 hoành hành, khiến mọi người tìm cách phòng tránh, hạn chế đến nơi đông người, nhưng lại có những bác sĩ hàng ngày vẫn khoác chiếc áo blouse trắng xông pha cứu chữa cho bệnh nhân nhiễm bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong (thứ 2 từ phải sang) cùng bệnh nhân nhiễm Covid-19 xuất viện.
Một trong những “chiến sĩ” ấy chính là BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19, để tiện trao đổi với bệnh nhân, các nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc người bệnh đều liên lạc thông qua bộ đàm. Việc trao đổi thường xuyên với bệnh nhân không chỉ để biết tình trạng sức khỏe mà còn nhằm đáp ứng yêu cầu ăn uống của họ.
Cán bộ, y bác sĩ trong khoa Nhiễm D thay phiên nhau xuống tận phòng cách ly hoặc cầm bộ đàm trò chuyện trực tiếp, động viên bệnh nhân để họ không cô đơn, không lo lắng về tình trạng bệnh của mình.
“Trước đây, vì ở một mình trong phòng cách ly suốt thời gian dài, nhiều lúc bệnh nhân tuyệt vọng, bỏ ăn, sức khỏe xấu đi. Do đó, sự quan tâm động viên từ các bác sĩ giúp bệnh nhân vực dậy tinh thần, hợp tác tốt, mang lại hiệu quả điều trị tích cực” – BS Nguyễn Thanh Phong cho hay.
Cũng theo BS Phong, ngay cả ngày bệnh nhân được xuất viện, để động viên tinh thần của họ, tập thể nhân viên y tế, kể cả bệnh nhân đều không mang khẩu trang khi tiếp xúc.
“Mình kêu bệnh nhân đeo khẩu trang là đồng nghĩa nói họ còn bệnh. Vậy chẳng khác nào mình cho họ xuất viện khi họ còn bệnh? Nếu đã xác định họ âm tính với virus thì họ không cần mang khẩu trang. Chúng tôi làm vậy để họ an tâm xuất viện, giúp họ giải phóng bản thân sau thời gian điều trị cách ly. Đó là những liệu pháp tâm lý đóng vai trò quan trọng, là phần không thể thiếu trong công tác điều trị”, BS Thanh Phong lý giải.
Thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19, nhưng BS Thanh Phong vẫn không thể nào quên được những ngày chật vật khi phải tìm cách trấn an người thân của họ vượt qua nỗi sợ hãi bị lây nhiễm.
Ngoài việc trấn an gia đình, BS Phong cũng phải trấn an nhân viên y tế của khoa để tiếp thêm sức mạnh chữa trị cho bệnh nhân. Mỗi ngày, tình trạng sức khỏe của nhân viên y tế trong khoa đều được theo dõi sát sao và những nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân đều được ghi lại trên bảng theo dõi.
“Mỗi nhân viên y tế trong khoa đều phải đoàn kết, cùng nhau chia sẻ và chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Khó khăn chồng chất khó khăn, những ánh mắt kỳ thị càng làm cho tâm lý thêm nặng nề. Mình ra đường tuy người ta không nói ra là kỳ thị, nhưng khi mình lại gần thì họ lấy khẩu trang ra mang vô. Hành động đó không làm cho mình buồn, mà chỉ khiến mình thêm quyết tâm” – BS Thanh Phong hóm hỉnh nói.
KIM HUYỀN
Theo sggp