Đầu tiên là khẩu trang, rồi đến đồ ăn, thậm chí cả giấy vệ sinh ở nhiều nơi cũng khó tìm mua được, vì mọi người tích trữ đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.
Liệu có gì hợp lý trong hành vi đó hay không? Và làm thế nào chúng ta có thể vượt ra ngoài những xung động tâm lý để mua sắm thông minh hơn, và quan tâm đến nhu cầu của người khác?
COVID-19 – một bài kiểm tra về sự căng thẳng, lo lắng
Tình hình bùng phát virus corona không chỉ là quãng thời gian có nhiều biến động, mà còn là giai đoạn nhiều người trong chúng ta trải qua sự cô lập xã hội. Cả hai yếu tố này có thể thúc đẩy tâm lý mọi người mua những thứ mà họ không cần.
Cảm giác không thể chịu đựng được những điều không chắc chắn đã dẫn đến hành vi tích trữ cực đoan. Tích trữ đòi hỏi phải thu thập nhiều vật phẩm hơn mức có thể tiêu dùng, khiến cho ngôi nhà không còn là nơi yên ổn cả về mặt vật chất và tinh thần đối với những người trong nhà. Mặc dù những hành vi tích trữ mà chúng ta chứng kiến gần đây chưa đến mức độ như vậy, nhưng những gì đã xảy ra cũng do cơ chế tâm lý tương tự dẫn đến hành vi đó.
Một trong những biểu hiện để đoán trước được hành vi tích trữ của một người là người đó không có khả năng chịu đựng hoàn cảnh ngặt nghèo. Nếu một người có bản chất là luôn tránh những hoàn cảnh khó khăn, thì trước tình hình bệnh dịch như hiện nay, người đó rất dễ mua nhiều hàng hóa hơn mức cần thiết.
Đối với những người như vậy, việc tin vào chính quyền là rất khó khi chính quyền tuyên bố rằng các cửa hàng vẫn sẽ mở, hàng hóa sẽ không thiếu. Hoặc nếu họ có tin thì có thể họ vẫn quyết định “tốt hơn cứ chuẩn bị, đề phòng mọi thứ thay đổi”.
Virus corona cũng gây ấn tượng mạnh và tiêu cực với nhiều người về khả năng gây t.ử v.ong, khiến họ sợ hãi điều này có thể xảy ra với họ. Điều này dẫn đến hành vi gia tăng chi tiêu để bù đắp nỗi sợ hãi.
Ngay cả khi một người thường vẫn yên tâm, tự tin là bản thân có thể xử lý những hoàn cảnh khó khăn, thì cuối cùng họ vẫn mua nhiều hơn nhu cầu. Nhìn thấy những giá hàng trống trơn có thể gây ra nỗi thúc giục phải chộp lấy những gì còn lại. Nghiên cứu về “suy nghiệm khan hiếm” cho rằng chúng ta cảm thấy hàng hóa có giá trị hơn khi nguồn cung ít hơn.
Hàng hóa tiêu dùng cũng có thêm nhiều chức năng hơn ngày thường. Một số sản phẩm lại được dùng vì mục đích tâm lí và có thể thay đổi cảm xúc của người dùng. Ví dụ, một số người chuyển sang uống rượu để xóa đi cảm giác lo lắng hoặc đau khổ.
Làm sao để vượt qua được rào cản tâm lý?
Vậy làm thế nào để chúng ta có được những quyết định hợp lý khi mà quá nhiều “thế lực” tâm lý xen vào?
Để loại bỏ hoàn toàn được tâm lý này thì không có cách thức nào hoàn hảo cả, nhưng liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể giúp mọi người tránh đưa ra quyết định chỉ dựa trên những cảm xúc và những động cơ không tốt. CBT có thể cải thiện khả năng chịu đựng trong những hoàn cảnh khó khăn và giảm căng thẳng, sợ hãi.
CBT bao gồm giải quyết vấn đề và tránh hành vi không cần thiết để kiểm tra niềm tin của một người. Ý tưởng ở đây là thách thức những suy nghĩ không có ích, và đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng.
Để áp dụng được cách tiếp cận này vào việc mua sắm trong thời bệnh dịch hiện nay, bạn nên bắt đầu bằng việc dự trữ những thứ bạn đã có ở nhà, tức là những thứ bạn vẫn sử dụng cho cuộc sống bình thường hàng ngày, và xem thời hạn sử dụng của chúng là bao lâu. Điều quan trọng khi tích trữ là bạn cần giới hạn sự lãng phí và phải thật cân nhắc. Mua thực phẩm mà rồi để hỏng hoặc mua quá nhiều những sản phẩm mà người khác, trong đó có người già, cũng rất cần mua thì chẳng ích gì và không hợp lý. Mua 100 cuộn giấy vệ sinh là lãng phí nếu phải mất 1 năm bạn mới dùng hết.
Có thể hạn chế lãng phí thực phẩm bằng cách lên kế hoạch cho các bữa ăn trong 2 hoặc 3 tuần sắp tới, luôn chú ý đến hạn sử dụng của các thực phẩm này. Tập trung vào mức độ sử dụng thực tế trong thời gian này sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định chính xác hơn về những thứ cần mua và số lượng cần mua.
Cảm thấy lo sợ là điều bình thường
Khi đi mua hàng, hãy cầm theo danh sách những thứ cần mua, cố gắng hết sức chỉ mua những thứ có trong danh sách. Bằng cách này, bạn sẽ giảm thiểu khả năng bị khuất phục bởi ham muốn mua nhiều do lo lắng khi nhìn thấy các kệ hàng trống rỗng, hoặc sợ rằng cửa hàng sẽ đóng cửa. Và hãy lên kế hoạch trước để sẵn sàng mua sản phẩm thay thế nếu một số mặt hàng bạn định mua đã hết.
Có thể bạn sẽ bắt đầu thấy lo lắng khi chỉ mua những thứ cần trong thời gian ngắn trước mắt. Không sao cả. Nhiều thử nghiệm nghiên cứu cho thấy mọi người có thể vượt qua nỗi lo và về lâu dài việc thay đổi những hành vi không có ích sẽ giúp giảm nỗi lo đó.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người thường xuyên có thói quen tích trữ hoàn toàn có thể chịu đựng được khó khăn tốt hơn họ tưởng. Vì vậy cho dù một số người không thể tránh khỏi sự lo lắng khi đi mua sắm thì họ vẫn có thể chịu đựng được. Và sự lo lắng này sẽ giảm đi nếu họ áp dụng những cách làm nói trên.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, vấn đề mua quá nhiều hàng hóa không cần thiết cũng đã xảy ra ở một số nước. Ví dụ như ở Úc, người dân nước này đứng thứ 9 trên thế giới về mức xả rác sinh hoạt tính theo đầu người, họ tiêu hết 6,08 tỷ đô-la Mỹ/năm để mua những mặt hàng và dịch vụ rất ít khi họ sử dụng. Hơn một nửa số t.iền này là mua thức ăn rồi không dùng đến và bỏ đi.
Có lẽ hiểu được các cơ chế tâm lý là cơ sở cho hành vi mua sắm của chúng ta sẽ giúp chúng ta mua hàng hợp lý hơn trong thời gian nhiều biến động này.
Phạm Hường
Nắng xuân
Trầm sợ nhất những ngày trời bất chợt đổ mưa khi mà chồng đi làm ca kíp không có mặt ở nhà. Mưa rơi lộp bộp trên những tấm fibro xi-măng của xóm trọ nghèo.
Niềm tin ấy giúp Trầm thấy buổi chiều hôm nay nắng xuân đẹp quá
Rồi mưa rào rào từng cơn khiến con Trầm đang ngủ bỗng giật mình tỉnh giấc khóc thét lên vì sợ. Trầm vừa bế con vừa chạy đi cầm chậu hứng từng chỗ dột trong căn nhà trọ mười bảy mét vuông, chớp nhì nhằng ngoài cửa sổ. Đứa con gái bé bỏng thỉnh thoảng lại giật mình vì tiếng sấm rền. Vài tiếng khóc của trẻ nhỏ giữa đêm khiến Trầm càng thêm tủi. Hơn hai mươi năm đã trôi qua mà sao Trầm vẫn phải sống trong cảnh dột nát thế này?
Chẳng khác gì lúc nhỏ, nhà lá vách đất. Mỗi đêm mưa là mấy chị em co cụm vào một góc, bố đi soi ếch ngoài đồng, chỉ có mẹ loay hoay với mưa gió trong nhà. Tiếng mưa dột kêu long cong, lụp bụp trong xô chậu.
Từng ấy năm sống trong nỗi ám ảnh nghèo khó, Trầm cố gắng vươn mình như mầm cây hướng về ánh sáng. Cuối cùng thì tấm bằng đại học, một công việc ổn định cũng không giúp Trầm thoát khỏi những căn nhà trọ chật chội, tù túng và dột nát giữa thủ đô. Với một người chồng làm công nhân trong nhà máy giấy và hai đứa con nhỏ đang t.uổi ăn t.uổi học.
– Chừng nào có nhà, em sẽ nằm k.hỏa t.hân đọc sách!
– Gì cơ?
Kha phì cười lúc đang xỏ dây đôi giày lao động đã mòn vẹt gót. Đây đâu phải là lần đầu Trầm nói về một căn nhà trong mơ – nơi Trầm sẽ cắm những bình hoa xinh, lúi húi bày biện trong căn bếp, mời bạn bè đến chơi.
Người đàn bà nào cũng muốn có một căn nhà riêng và họ coi ngôi nhà như thánh địa của mình, ra sức vun vén và bảo vệ ngôi nhà trước giông bão cuộc đời. Có đôi khi sống trong cảnh đời chật chội, Trầm chỉ mong có nhà để trồng một mầm cây. Để những lúc mỏi mệt nhất vịn vào những gân lá xanh non mà sống. Vài lần Kha nghĩ đến Trầm lúc đi qua ngã tư, anh còn quay lại mua vài tờ Vietlott. Dĩ nhiên là không trúng, dễ gì.
Vài năm sau, qua một trận ốm thập tử nhất sinh, Trầm tỉnh dậy ngán ngẩm nhìn thành phố. Trầm sợ thành phố như đàn bà nghén sợ bánh chưng, thịt mỡ. Trầm đuội sức trước tiếng ồn, bụi bẩn, những bức tường vây kín lấy mình. Kha đưa Trầm về quê như một cuộc chạy trốn thành phố, bỏ lại giấc mơ còn dang dở phía sau.
Quê chồng nằm mãi sâu trong điệp trùng rừng núi. Ở đó mở mắt ra đã thấy màu xanh của cây cối bạt ngàn. Nhưng Trầm biết làm gì ở một nơi heo hút thế này? Các con Trầm rồi sẽ lớn lên ra sao khi điều kiện học hành đều vô cùng thiếu thốn? Trầm không muốn con mình sẽ lớn lên như biết bao đ.ứa t.rẻ ở đây, sống một cuộc đời giản đơn nghèo mơ ước. Trầm phải tìm một vùng đất hứa…
Trầm về thị xã, nơi Kha có thể dễ dàng xin việc trong các khu công nghiệp. Trầm không xin vào cơ quan nhà nước, quần là áo lượt, nhàn nhã lương ba cọc ba đồng mà quyết định đi làm cho công ty tư nhân chịu áp lực về doanh số.
Con Trầm được học trong một ngôi trường tốt. Thủ tục chuyển trường cũng không quá phức tạp như Trầm vẫn nghĩ. Nhờ bạn bè quen biết giới thiệu, Trầm tìm được một căn nhà trọ rộng rãi để gắn bó lâu dài. Nhưng chưa bao giờ Trầm thôi ước mơ có một ngôi nhà của riêng mình. Những lúc mỏi mệt nhất, Trầm thường mang mấy cuốn sổ tiết kiệm ra ngắm nhìn.
Chẳng phải nhiều nhặn gì đâu, nhưng đó là toàn bộ số t.iền tích cóp từ khi Trầm còn rất trẻ. Tính Trầm hay lo xa nên chẳng dám để trứng một giỏ, sợ lỡ có rủi ro gì là tay trắng.
Dạo này Trầm vắng nhà suốt, đi từ mờ sáng đến tận tối mịt mới về. Trầm thường lang thang khắp thị xã tìm một mảnh đất phù hợp với túi t.iền. Sau những ngày nắng gắt, mưa dầm Trầm trở về nhà rã rời nuôi hy vọng. Cuối cùng Trầm cũng tìm thấy mảnh đất đủ duyên nằm ngay mặt đường, gần chợ gần trường, bệnh viện cũng cách đó không xa. Tuy đất mới quy hoạch, xưa kia là cánh đồng nên thưa thớt nhà cửa. Nhưng Trầm mê cái sự bình yên ấy đến nỗi đêm nằm mường tượng ra những ô cửa sổ thơm hương lúa chín là thấy nhọc nhằn vất vả đâu có thấm tháp gì.
Trầm cóp từng viên gạch nhỏ xây nhà. Sau mười tháng thì cuối cùng Trầm cũng được cầm chổi quét dọn ngôi nhà mới. Vui thì vui đấy, nhưng người đã rệu rã đến mức lia một nhát chổi thôi cũng cảm thấy đuội rồi.
Kha gầy rộc người, mắt hốc hác vì thiếu ngủ. Từ hôm dọn vào nhà mới Trầm chưa kịp mua bông hoa nào về cắm. Trên thẻo đất thừa ra, Kha đào những chiếc hố còn chưa kịp trồng cây. Rèm cửa chưa may xong. Trầm cũng chưa kịp thảnh thơi nằm đọc sách thì bất ngờ Kha đổ bệnh.
Kha suy thận nặng sau ca cắt bỏ ruột thừa. Nó như cái án chung thân treo lơ lửng trên đầu một người đàn ông mới ngoài ba mươi t.uổi. Cơ thể sưng nề, ứ nước, xương khớp bắt đầu đau nhức chẳng thể làm gì.
Nhưng cơn đau đớn thể xác không bằng sự giày vò tâm can khi Kha phải rời xa ngôi nhà của mình quay trở lại Hà Nội sống đời ở trọ trong xóm chạy thận nghèo. Buổi chiều ngồi nhìn bức tường rêu cũ bốc mùi ẩm mốc, Kha thèm được trở về nhà. Căn nhà của Trầm hẳn vẫn còn mùi sơn mới, những con muỗi non thường theo ánh đèn tìm đến vào buổi tối.
Mấy đứa nhỏ giờ này mới đi học về, Trầm cuống cuồng chợ búa, cơm nước, bảo ban các con học hành. Bọn trẻ chắc sẽ hỏi “bố đâu?”, Trầm hẳn rất đau lòng. Kha phải chạy thận tuần ba lần, đâu thể đi về khi chặng đường cách xa nhà gần hai trăm cây số. Xóm trọ lụp xụp tối tăm.
Ánh mặt trời cũng khó có thể len lỏi xuống những mái nhà lợp bờ lô xi-măng xám xịt. Kha nhìn ra ngoài sân xóm trọ, một cô gái trẻ đang ướm thử chiếc váy hoa treo trên dây phơi. Chiếc váy bằng vải lon, in hình những bông hoa đồng nội li ti, sặc sỡ có thể mới được mua từ một đống quần áo nào đó bày bán đầy các vỉa hè. Nhưng cô gái trẻ đang ướm nó lên người với niềm hạnh phúc. Kha nhớ, lâu lắm rồi Trầm không mua áo mới…
Nửa đêm Trầm giật mình thức giấc, sờ bên cạnh chỉ thấy gối trống không, nước mắt cứ thế chảy dài. Giờ này có thể xương khớp Kha đang đau nhức, đêm ngủ như có kiến bò trong xương.
Những cơn buồn nôn, chóng mặt, đau đớn giày vò h.ành h.ạ Kha mỗi ngày mà vợ con thì không có ở bên. Trầm còn lạ gì cuộc sống trong những xóm chạy thận, buồn tẻ và u ám. Mà Trầm thì không thể bỏ lại cửa nhà, con cái, công việc hàng ngày để chạy đến bên Kha. Làm nhà nợ nần nhiều, giờ lại thêm t.iền thuốc thang chữa chạy cho chồng khiến Trầm điêu đứng. Nhưng Trầm không thể nào gục ngã. Trầm phải cố gắng vui sống để các con yên tâm học hành và để làm chỗ dựa cho Kha.
Trầm xuống thăm chồng vào một ngày cuối tuần. Kha mệt mỏi ngồi ngoài hiên xóm trọ nhìn đám đông đang sụt sùi đưa tiễn một người trẻ t.uổi vừa mới qua đời. Người ta nói với Kha phải làm quen dần với những cảnh tượng buồn. “Sống qua ngày hôm nay là vui rồi. Ngày mai đâu biết trước ra sao”.
Mới cười nói đấy thôi mà chỉ cần một cơn tai biến mạch m.áu não do huyết áp tăng cao là có thể từ biệt thế giới này rồi. Trầm nắm lấy tay chồng ngửa mặt nhìn những tia nắng yếu ớt nằm đâu đó trên mái nhà hay những tán cây. Trầm tự nhủ phải mạnh mẽ để giành giật lại sức khỏe, sự bình an cho bố của các con mình. Ý nghĩ hiến thận cứu chồng nảy ra trong đầu Trầm kể từ giây phút đó.
Trầm quyết định bán nhà khi cầm kết quả xét nghiệm trên tay. Trầm đủ điều kiện để hiến thận cho chồng nhưng chi phí quá cao. Gia đình bố mẹ hai bên đều nghèo nên không thể trông chờ giúp đỡ. Trầm lại không muốn vay mượn ngân hàng với số t.iền quá lớn để sau này Kha phải gồng gánh vất vả thêm. Bán căn nhà là cách tốt nhất dù đối với Trầm đây là quyết định vốn chẳng dễ dàng gì. Nhà mới xây xong còn chưa ấm hơi người. Căn bếp nhỏ còn khát khao những bữa cơm sum họp.
Trên chiếc giường mới này Kha còn chưa quen giấc thì đã phải đi xa. Hơn ai hết, Trầm muốn giữ căn nhà như bất cứ người đàn bà nào khác. Nhưng nếu không có tiếng cười thì mọi căn nhà dù đẹp đẽ đến đâu cũng trở nên trống rỗng. Vợ chồng, con cái mới chính là cái hồn của những mái nhà. Nên chỉ cần Kha khỏe mạnh thôi thì có phải sống lại đời ở trọ ở bất cứ đâu cũng sẽ là nhà.
Ngày cuối cùng được sống trong căn nhà của mình, Trầm ra chợ mua hoa về cắm. Những bông hoa đỏ thắm chảy vào lòng Trầm từng ý nghĩ tốt đẹp về tình yêu. Rồi chủ mới sẽ dọn đến, mẹ con Trầm cũng sẽ rời đi. Trầm đưa con về nhà nội, chuẩn bị xuống thủ đô để cùng Kha trải qua ca ghép thận. Con trai nói với Trầm “hay là mình trồng một cây xanh trong chiếc hố bố từng đào mẹ nhỉ?”.
Tất nhiên Trầm đồng ý khi nghĩ đến một ngày nào đó đi qua nơi này các con sẽ nhìn thấy một mùa quả mùa hoa. Đèo các con sau xe, Trầm đi đến một vườn ươm cây giống trong thị xã. Trên đường đi các con mải tranh luận xem nên trồng cây gì? Bưởi? Sấu? Hay vú sữa? Trầm không nói gì hết, im lặng ngắm những vạt nắng bên đường. Chị tin rằng một ngày không xa cả gia đình sẽ cùng nhau xây nên một ngôi nhà khác. Niềm tin ấy giúp Trầm thấy buổi chiều hôm nay nắng xuân đẹp quá.
Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang